Cơ sở 1: 258 Thái Hà - Đống Đa - Hà Nội
Cơ sở 2: 53/31 Trần Khánh Dư, Q1, TP HCM (Tel: 0773579999)
Tel: 024.6682.2345 - 0989.118.128 - 077.357.9999

Shop TLD » SẢN PHẨM » TẤT CẢ LAPTOP ĐANG CÓ TẠI SHOP TLD » LAPTOP LENOVO

TẤT CẢ LAPTOP ĐANG CÓ TẠI SHOP TLD
HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC
VIDEO TRẢI NGHIỂM SẢN PHẨM
PC Đồ Hoạ Chuyên Nghiệp
Quảng cáo
Laptop Lenovo Yoga 920
Laptop Lenovo Yoga 920
Giá : 32,900,000 VNĐ
Bảo hành: 12 Tháng phần cứng trọn đời phần mềm
Khuyến mãi: 01 Chuột không dây, 01 Lót chuột Loghitech, 01 Túi xách chính hãng, 01 Đèn Led USB, 01 Thẻ giảm giá 5%
 Laptop Lenovo Yoga 920-1.jpg

Laptop Lenovo Yoga 920-6.jpg

Laptop Yoga 900 series là dòng laptop 2 trong 1 đầu bảng của Lenovo với thiết kế cao cấp, cấu hình tốt và tập trung vào hướng trải nghiệm khi được tối ưu tốt về phần cứng lẫn phần mềm tương tự như dòng Dell XPS 13 hay HP Spectre. Ra mắt cuối năm ngoái và đến gần đây thì chiếc Yoga 920 mới được bán chính thức tại Việt Nam như phiên bản mình mượn được có mức giá gần 45 triệu. Giờ thì mời anh em cùng xem qua chiếc máy này:

Thiết kế tinh tế hơn, không còn nhiều chi tiết thừa, bản lề vẫn vậy:

Yoga 920 vẫn có thiết kế nửa nguyên khối với chất liệu nhôm xử lý anodize toàn bộ từ nắp máy, thân máy và cả cụm bản lề dạng dây đồng hồ. Nói là bán nguyên khối bởi phần đáy máy có thể tháo ra được với 1 chiếc nắp rời. Chất lượng chế tạo của Yoga 920 vẫn rất cao cấp, cứng cáp, hoàn thiện tỉ mỉ từ trong ra ngoài.

Phiên bản mình mượn được từ Lenovo có màu vàng hồng, khá giống màu vỏ của iPhone, nhã nhặn và lịch sự. Nắp máy chỉ có logo YOGA cắt ra từ cùng khối kim loại, không có logo Lenovo và hãng đã bắt đầu áp dụng chiến lược nhận diện thương hiệu này trên nhiều dòng máy mới. Kiểu hoàn thiện anodize khiến máy ít bám vân tay hơn, dễ lau chùi hơn.

*Mã máy là Yoga 920-13IKB - trong đó 13 chỉ kích thước màn hình còn IKB là thế hệ vi xử lý, cụ thể là Core I Kaby Lake. Dù Yoga 920 dùng Core I thế hệ 8 nhưng dòng CPU này vẫn là Kaby Lake Refresh. Thêm vào đó, dù có mã là 13 nhưng Yoga 920 kỳ thực lại có kích thước 13,9" thay vì 13,3". Vì vậy, Yoga 920 là một chiếc máy 14"!

Trọng lượng của máy khoảng 1,3 kg và độ mỏng là xấp xỉ 14 mm. Lenovo vẫn duy trì kiểu thiết kế "lừa tình" với mặt đáy xuôi dần vào trong, phần cạnh ngoài cắt phẳng và làm mỏng dần ra sau tạo cảm giác máy mỏng hơn. Khác biệt giữa phiên bản Yoga 910 và Yoga 920 chính là 2 cạnh bên này, nhờ cắt phẳng và phay xước thành ra Yoga 920 trông gọn gàng và thanh mảnh hơn dù độ dày giữa 2 đời máy là gần như nhau.

Trang bị cổng kết nối trên Yoga 920 có cải tiến lớn đó là 2 cổng USB-C tại cạnh trái: cả 2 đều hỗ trợ chức năng sạc, đều hỗ trợ USB 3.1 Gen2 tốc độ 10 Gbps và Thunderbolt 3.

Bên cạnh đó máy vẫn có một cổng USB 3.0 (USB-A) để sử dụng với chuột hay ổ cứng di động và jack âm thanh 3,5 mm. Dù không còn cổng trình xuất mini DisplayPort nhưng khả năng này đã tích hợp vào cổng USB-C, có thể khai thác qua adapter USB-C ra HDMI hoặc DisplayPort. Lỗ nhỏ có hình mũi tên cong là để mở chế độ recovery khi máy gặp lỗi.

Điểm nổi bật nhất trên thiết kế của Yoga 920 vẫn là bản lề dạng dây đồng hồ và cơ chế xoay là 4 thanh kim loại tròn ghép vào nhau bằng các mắt xích như bánh xe tăng. Dù đây vẫn là một trong những thiết kế bản lề độc đáo nhất trên thị trường laptop 2 trong 1 nhưng mình nghĩ Lenovo cần phải thay đổi thiết kế này, đã quá lâu rồi và mình cảm thấy nhàm chán với thiết kế này.

Bản lề này cho phép xoay lật màn hình 360 độ và những chế độ sử dụng của Yoga 920 cũng không còn quá xa lạ nữa. Mình chủ yếu dùng ở 2 chế độ là vỏ sò và gập lại thành máy tính bảng để vẽ vời. Có một điều mình thích khi mở nắp máy là phần viền quanh nắp máy được vát vào trong, mượt mà và hiện đại.

Có một phần được khoét lõm vào trong để đặt ngón tay mở lên. Mình có thể mở nắp bằng 1 tay nhưng không thể mở hoàn toàn, khi mở ra một góc khoảng 80 độ là bắt đầu thân máy bị nhấc lên và vẫn cần phải giữ thân máy.

Viền màn hình mỏng nhưng chưa phải siêu mỏng, màn hình IPS 4K chất lượng cao, hỗ trợ bút cảm ứng, âm thanh ổn:

Bên trong Yoga 920 khá đẹp và gọn gàng. Phần màn hình có thiết kế viền mỏng 2 bên nhưng là 14 mm vẫn không được gọi là siêu mỏng như kiểu viền InfinityEdge trên XPS 13 hay HP Spectre x360 vốn chỉ 11 mm. Viền trên cũng được bóp lại nhưng vẫn đủ để chứa cụm webcam tại vị trí thông thường.

Riêng phần viền dưới thì có thể nói là quá dày. Nó dày một cách dư thừa và mình cảm thấy khó chịu khi phần viền dưới trống không như vậy. Có thể Lenovo cố tình làm dày để tạo không gian cho các mạch điều khiển màn hình và cảm ứng cũng như để chúng ta có chỗ để tì tay khi cầm dạng máy tính bảng. Phần viền này đã dày từ phiên bản Yoga 910 và trên phiên bản mới vẫn chưa cải thiện, rất đáng tiếc. Nếu Lenovo làm mỏng lại 1 nửa hay ít nhất là 1/3 thì thiết kế màn hình sẽ cân đối hơn rất nhiều.

Phủ toàn bộ màn hình là tấm kính cường lực Gorilla Glass và hỗ trợ cảm ứng đa điểm. Yoga 920 đi kèm với bút cảm ứng Active Pen 2 hỗ trợ 4096 cấp độ lực. Mình đã nhờ một người bạn trải nghiệm vẽ vời trên chiếc màn hình này và kết quả không được tốt cho lắm. Dù bút cảm ứng có độ trễ thấp, có thể so sánh tương đương với Surface Pen nhưng tính năng nhận diện lòng bàn tay khi tì tay vẽ hoạt động chưa tốt.

Sau một hồi vẽ trên phần mềm Paint3D thì tại vùng bàn tay tì lên xuất hiện rất nhiều điểm chấm li ti do màn hình vẫn nhận cảm ứng tại khu vực này từ đó ảnh hưởng đến độ chính xác của nét bút. Thành ra mình cho rằng tính năng cảm ứng trên Yoga 920 chỉ mang lại sự tiện lợi khi thao tác, ghi chú nhanh hay vẽ chơi thì được.

Màn hình của Yoga 920 có chất lượng cao, nó dùng tấm nền IPS do LG sản xuất với mã LP139UD1-SPC1, độ phân giải 4K 3840 x 2160 px, tỉ lệ 16:9 cho mật độ điểm ảnh cao và mịn. Màn hình có độ sáng tối đa 268 nit ở vùng trung tâm, độ tương phản 720:1 ở độ sáng 100% và tối đa 3790:1 ở độ sáng 25%. Khả năng bao phủ các dải màu của màn hình lần lượt là 74% AdobeRGB, 68% NTSC và 91% sRGB. Với độ bao phủ dải màu này cùng với độ tương phản khá cao thì màn hình của Yoga 920 mang lại trải nghiệm giải trí tốt, đúng với mục đích sử dụng của nó là một chiếc máy thời trang, làm việc văn phòng và giải trí với phim, ảnh, vẽ vời chơi bời.

Tuy nhiên, màn hình cảm ứng và có lớp kiếng phủ ngoài không chống chói nên việc sử dụng Yoga 920 ngoài trời hay dưới nguồn sáng mạnh không thoải mái, phải chỉnh độ sáng tối đa nhưng không cải thiện là mấy bởi độ sáng chưa đến 300 nit.

Ngoài màu sắc tươi thì có 2 yếu tố khiến mình thích trên màn hình của Yoga 920 đó là sắc đen của nó, ở độ sáng tối đa thì black level chỉ 0,37 - một tỉ lệ tái tạo màu đen rất tốt đối với tấm nền IPS và white point cũng khá chuẩn ở 7500. Thêm vào đó sự chênh lệch về độ sáng và khả năng tái tạo màu sắc giữa các vùng của màn hình không lớn, độ đồng nhất khá cao. Chẳng hạn như độ chênh lệch về độ sáng giữa 2 vùng trái phải màn hình so với trung tâm chỉ là 2%, các góc trên dưới cũng chưa đến 10%. Tương tự độ sai lệch về màu sắc thì các vùng khác có sai lệch Delta-E khoảng 2.2 so với vùng trung tâm. Với một chiếc màn hình IPS với góc nhìn rộng, cho phép chúng ta quan sát ở nhiều tư thế thì tỉ lệ sai lệch giữa các chỉ số về độ sáng và màu sắc thấp rất cần thiết để mang lại trải nghiệm tốt nhất.

Nếu anh em có nhu cầu làm đồ họa cao cấp trên chiếc màn hình này thì cũng cần phải lưu ý đôi điều. Chẳng hạn như Gamma mặc định của màn hình lên đến 2.6 do đó cần phải cân chỉnh lại kha khá. Độ chính xác màu đo theo thang Delta-E trung bình là 1.24 - mức dưới 2.0 được xem là lý tưởng để sử dụng làm đồ họa hay chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp. Tuy nhiên đó là tỉ lệ Delta-E trung bình, chiếc màn hình này có Delta-E trên 3.0 ở 2 màu sắc vàng và cam, thành ra màu vàng hay cam thể hiện trên màn hình so với màu tham chiếu trong không gian màu chuẩn vẫn có sự khác biệt rõ ràng, sắc vàng và cam đậm hơn hẳn. Riêng với các màu khó như đỏ, hồng, xanh lá, xanh lam thì chỉ số Delta-E vẫn ở mức dưới 2, rất tốt.

Về âm thanh, Lenovo trang bị cho Yoga 920 2 loa đặt tại đáy máy, nằm gần 2 rìa bên. Âm thanh đầu ra ở mức 75 dB và chất lượng âm thanh chấp nhận được. Dải mid và treble rất cân bằng, rõ ràng, lý tưởng để hội thoại. Bass thì hầu như không có nên trải nghiệm nghe nhạc hay xem phim hành động khá chán. Đây là đặc điểm chung trên rất nhiều dòng máy 2 trong 1 mỏng nhẹ.

Bàn phím độ nẩy tốt nhưng hành trình ngắn, phím điều hướng nhỏ dễ bấm nhầm, bàn rê rất ngon:

Bàn phím của Yoga 920 không có nhiều cải tiến so với Yoga 910, hành trình phím dưới 1,5 mm (mức tiêu chuẩn) nhưng bù lại vòm cao su và xương phím đã được cải tiến để mang lại độ nẩy cao hơn. Mỗi lần nhấn xuống, phím nẩy lên nhanh và tạo ra âm thanh chick chick đầy cảm giác. Dù máy mỏng nhưng vỉ phím chắc chắn, không flex thành ra mình có thể gõ chính xác trên chiếc Yoga 920. Khoảng cách giữa các phím rộng rãi, kích thước phím 15 x 15 mm tiêu chuẩn nên bàn tay có thể duỗi thoải mái, ít mỏi khi gõ lâu. Tuy nhiên, do hành trình ngắn phím nông nên cảm giác nhân xuống không được tự tin khiến mình dễ sót phím, một phần là do thói quen của mình gõ trên bàn phím ThinkPad với hành trình dài nên chuyển qua Yoga 920, ngón tay chưa đi hết đà đã ăn phím. Phải cần thời gian làm quen với chiếc bàn phím này để gõ nhanh.

Điều mình không thích nhất trên bàn phím của Yoga 920 là 2 phím điều hướng lên xuống quá nhỏ, dễ bấm nhầm và 2 phím này mình lại dùng rất nhiều khi hàng ngày phải làm việc với văn bản và lướt web cường độ cao.

Trên chiếc Yoga 920 bản màu vàng hồng này thì bàn phím có màu xám tro, cảm nhận của mình là màu sắc xám khá hài hòa với màu máy. Bàn phím hỗ trợ đèn backlit với 2 mức sáng, hiệu quả chiếu sáng ban đêm rất tốt khi ánh sáng không lọt ra ngoài, chỉ tập trung vào ký tự bên trên.

Bàn rê kích thước 105 x 60 mm trên Yoga 920 mang lại trải nghiệm tuyệt vời khi bề mặt nó được phủ kiếng với độ rít rất thấp, mịn và mượt. Thêm vào đó không gian bàn rê đủ lớn đế thao tác đa điểm với 4 ngón cũng như thực hiện các thao tác như kéo thả thuận tiện. 2 phím chuột tích hợp bên dưới có hành trình ngắn nhưng độ nẩy cao, cảm giác nhấn tốt. Bàn rê cũng sử dụng driver Microsoft Precision Touchpad cho độ trễ thấp khi thao tác.

Bảo mật vân tay cũng được tích hợp tại phía ngoài bên phải khu vực chiếu nghỉ tay. Cảm biến một chạm có kích thước bé nhưng lại rất nhạy khiến mình ngạc nhiên bởi mình dùng ngón cái để đăng nhập là chính và chỉ cần đặt nhẹ vào là nhận ngay, ngon hơn hẳn so với cảm biến vân tay cỡ lớn trên chiếc ThinkPad P70 mình đang dùng.

CPU 4 nhân, SSD tốc độ cao nhưng hiệu năng khá tốt:

Chiếc Yoga 920 mình mượn được có tùy chọn cấu hình cao với:
CPU: Intel Core i7-8550U 4 nhân, 8 luồng (Kaby Lake Refresh), tốc độ 1,8 GHz > 4 GHz (Turbo Boost đơn nhân), 8 MB Cache, TDP 15 W;
GPU: Intel UHD Graphics 620
RAM: 8 GB DDR4-2400 MHz hàn chết, chạy Dual-Channel, không thể nâng cấp;
SSD: Samsung PM981 512 GB NVMe M.2 2280;
Bluetooth + WiFi: Qualcomm Atheros QCA6174 a/b/g/n/ac + Bluetooth 4.2;
Pin: Li-ion 70 Wh;
OS: Windows 10 Home 64-bit bản quyền.

Core i7-8550U có thể xem là phiên bản thay thế cho Core i7-7500U vốn xuất hiện rất nhiều trên những chiếc laptop thế hệ 2016 - 2017. So với thế hệ Kaby Lake (Core I thế hệ 7) thì Kaby Lake Refresh (Core I thế hệ 8) có nhiều thay đổi lớn, số nhân và luồng tăng lên gấp đôi thành 4 nhân 8 luồng và đây cũng là thế hệ CPU tiết kiệm điện năng (ULV) đầu tiên của Intel có 4 nhân 8 luồng. Thêm vào đó là công nghệ đẩy xung Turbo Boost 2 cũng thay đổi với các mức xung tối đa khác nhau theo số nhân, chẳng hạn như Core i7-8550U có thể đạt đến 4 GHz đơn nhân và 4 nhân có thể là 3,7 GHz trên lý thuyết. Bộ đệm L3 cũng tăng thành 8 MB, gấp đôi so với Core i7-7500U và GPU tích hợp UHD Graphics 620 cũng có xung tối đa cao hơn 100 MHz so với HD Graphics 620 với cùng mức TDP 15 W.

Yoga 920 có 8 GB RAM và là loại RAM DDR4-2400 MHz thay vì LPDDR3 với tốc độ thấp hơn. RAM hàn chết với dung lượng 8 GB, không có khe SO-DIMM để nâng cấp nhưng bù lại vẫn được thiết lập chạy kênh đôi nhằm tối ưu hóa hiệu năng đồ họa của GPU tích hợp.

Đặc biệt là phần bộ nhớ SSD, chiếc máy dùng ổ Samsung PM981 mới nhất của SSD, đây là dòng tầm trung nhưng vẫn đạt tốc độ đọc ghi rất cao với tốc độ đọc tuần tự lên đến gần 3300 MB/s và tốc độ ghi tuần tự gần 2000 MB/s. Ngoài ra tốc độ truy xuất ngẫu nhiên tập tin cỡ nhỏ (4 KiB) cũng rất tốt với lần lượt là 366 MB/s và 336 MB/s đọc/ghi.

Với cấu hình này, Yoga 920 mang lại trải nghiệm sử dụng ... nói khá thì cũng không đúng mà tốt cũng không hẳn. Sử dụng với các tác vụ văn phòng thông thường thì Yoga 920 vẫn chạy rất ngọt, duyệt web với 7 tab Chrome, OneNote, Outlook, Photoshop. Mình còn dung thêm vài ứng dụng nữa như Messenger, Slack, Telegram luôn bật. Nhìn chung mọi thứ vẫn rất ngọt, chỉ đến khi dùng Lightroom thì sự ì ạch mới bắt đầu xuất hiện.

Màn hình 4K vẫn quá sức đối với GPU Intel UHD Graphics 620 khi vào Lightroom với những tấm hình nặng và phân giải lớn thì thời gian nạp ảnh cũng như áp dụng những thay đổi về thông số lâu hơn, nếu chịu khó đợi thì vẫn làm được. Khi xuất ảnh, CPU chạy đa nhân và mình phát hiện ra ở 4 nhân thì xung tối đa CPU đạt được chỉ vào khoảng 2,7 GHz và đa phần chạy ở 2,23 GHz. Riêng đơn nhân thì Core i7-8550U có thể đạt xung đỉnh 3,98 GHz nhưng chỉ trong vài giây sau đó hạ xuống mức 3,5 GHz và duy trì ở mức xung này.

Mình kiểm tra thêm bằng Cinebench R15 thì điểm đa nhân đa luồng là 467 điểm, đơn nhân là 150 điểm. Tính ra mức điểm đa nhân này vẫn thấp hơn so với những chiếc máy dùng cùng CPU Core i7-8550U, điển hình như Dell XPS 13 9370 hay HP Spectre x360. Dĩ nhiên là cao hơn so với Yoga 910 thế hệ trước hay những chiếc máy chạy Core i7-7500U nói chung. Core i7-8550U dù có xung nhịp cơ bản 1,8 GHz thấp hơn nhiều so với Core i7-7500U với 2,7 GHz nhưng với Turbo Boost 2.0, xung được đẩy đến 4 GHz nên có thể thấy sự cải tiến đáng kể về hiệu năng xử lý đơn/đa nhân trên Core i7-8550U hay dòng Kaby Lake Refresh nói chung. Trong trường hợp của Yoga 920, điểm đa nhân Cinebench của nó chỉ ngang ngửa với HP Spectre x360 13t bởi 2 chiếc máy này có điểm chung là xung tối đa khi chạy 4 nhân 8 luồng đều dưới 3 GHz.

Yoga 920 bị cắt xung và điện vào các nhân cũng chưa đến 1 V, quanh quẩn ở mức 0,8 V. Đây chắc chắn là ý đồ của Lenovo khi undervolt CPU nhằm cân bằng giữa hiệu năng xử lý lẫn khả năng tản nhiệt của hệ thống. Thử nghiệm với PCMark 8 và 10, sự cắt giảm về xung nhịp này khiến điểm số của Yoga 920 một lần nữa ngang ngửa với chiếc HP Spectre x360 13t hay Razer Blade Stealth trong khi với cùng vi xử lý Core i7-8550U thì XPS 13 9370 lại đạt điểm nhỉnh hơn. Dell luôn tối ưu phần cứng rất tốt trên dòng XPS 13 và kết quả này là một minh chứng rất rõ ràng.

Nếu so về tốc độ ổ SSD NVMe giữa các mẫu máy trong bảng trên thì ổ Samsung PM981 trên Yoga 920 rõ ràng có lợi thế hơn hẳn với tốc độ đọc/ghi tuần tự nhanh nhất, riêng tốc độ đọc/ghi ngẫu nhiên thì không bằng dòng Samsung PM961/PM951 hay thậm chí là dòng Lite-On CA1.

Thử nghiệm hiệu năng xử lý đồ họa của UHD Graphics 620 trên Yoga 920, điểm số Cloud Gate không cao, thấp hơn rất nhiều so với các mẫu máy dùng HD Graphics 620 cùng loại. Về cơ bản phiên bản UHD Graphics 620 trên các vi xử lý Kaby Lake Refresh chính là HD Graphics 620 chỉ tăng nhẹ 100 MHz về xung nhịp tối đa. Mình đã thử benchmark 2 lần, lần đầu được 6573 điểm, lần 2 được 7182 điểm và mình lấy điểm số cao nhất để so sánh.

Tản nhiệt 2 quạt nhưng CPU vẫn phải hạ xung để đảm bảo an toàn, vỏ máy nóng khi dùng lâu:

Yoga 920 có vỏ nhôm nguyên con và hệ thống tản nhiệt gồm 2 quạt nhỏ và 2 ống đồng tản nhiệt đưa ra heatsink. Mình cũng rất ngạc nhiên bởi tại sao với hệ thống tản nhiệt 2 ống 2 quạt như vậy mà Core i7-8550U trên Yoga 920 phải hạ điện cắt xung để giữ nhiệt độ thấp. Thử stress test bằng AIDA64 thì nhiệt độ đo được của CPU trung bình là 74 độ C, cao nhất là 76 độ C. Mức nhiệt độ này vẫn ở ngưỡng an toàn nhưng vẫn khá nóng. Cần lưu ý là nhiệt độ Tj của Core i7-8550U là 100 độ C. Và để duy trì mức nhiệt độ này thì xung nhịp CPU chỉ ở 2,23 GHz.

Khi chạy PCMark 8 Work, trong bài test xử lý bảng tính với cơ sở dữ liệu lớn thì CPU đạt xung gần tối đa nhưng bù lại nhiệt độ CPU lúc đó lên đến 93 độ C và mức xung cao chỉ duy trì trong một khoảng thời gian ngắn trước khi hạ xuống để giảm nhiệt độ. Điều này rất bình thường bởi Yoga 920 không phải là chiếc máy duy nhất mình thấy Core i7-8550U không thể chạy hết công suất, ngay cả dòng ThinkPad T480 mới, HP Envy 13 đời mới hay cả chiếc Razer Blade Stealth mình đều thấy sự cắt giảm này.

Như vậy, hệ thống tản nhiệt của Yoga 920 vẫn hiệu quả với các tác vụ thông thường và khi chạy đa nhân bởi xung CPU bị cắt xuống, điện áp vào ít hơn thành ra nhiệt độ CPU vẫn kiểm soát được ở quanh quẩn 75 độ C. Khi sử dụng thực tế, CPU ít khi leo lên mức nhiệt độ này với các tác vụ văn phòng nên chúng ta cũng không cần lo lắng. Nhiệt độ CPU khi mình làm việc hàng ngày chỉ vào khoảng 50 - 60 độ C. Dù có cổng Thunderbolt 3 để khai thác dock card đồ họa gắn ngoài (eGPU) nhưng mình khuyến cáo anh em không nên tận dụng nó để chơi game.

Nhiệt độ bề mặt của Yoga 920 là điều đáng quan tâm hơn. Khu vực chiếu nghỉ tay nóng lên rất nhanh dù bên dưới chỉ có cục pin. Mức nhiệt độ đo được tại khu vực chiếu nghỉ tay trái là 36 độ C, bàn rê chuột là 37 độ C và chiếu nghỉ tay phải là 36 độ C. Chuyển lên khu vực bàn phím thì nhiệt độ tại cụm phím trái là 38 độ C, cụm phím trung tâm là 40 độ C và cụm phím phải là 39,5 độ C. Tiếp tục lên trên khu vực gần bản lề, phía trên bàn phím thì nhiệt độ tại khu vực chính giữa lên đến 45 độ C - bên dưới chính là CPU, bên trái và phải là 43 độ C - đây cũng là vị trí phía trên 2 khe tản nhiệt.

Phần đáy máy gần chính giữa hướng về phía bản lề cũng rất nóng, đến 50 độ C khi tải nặng thành ra chúng ta không nên để máy lên đùi sử dụng nếu đang chạy các ứng dụng ăn tài nguyên.

Thời lượng pin khá đối với máy 4K, trung bình trên 5 tiếng, có thể lên đến 7 tiếng:

Về pin, Yoga 920 được trang bị pin 70 Wh và thời lượng pin của máy khá tốt. Mình cho người bạn mượn để vẽ cả buổi với thiết lập độ sáng màn hình 75%, chỉ vẽ trên ứng dụng Paint3D thì thời lượng pin theo tính toán của mình có thể đạt 7 tiếng nếu vẽ đến khi hết sạch pin. Khi xem YouTube các video 4K ở độ sáng 75%, âm lượng 50% thì bạn có thể xem liên tục trong 5 tiếng rưỡi. Thử benchmark bằng PCMark 8 Home - mô phỏng các tác vụ văn phòng và giải trí nhẹ nhàng ở độ sáng màn hình tối đa thì thời lượng pin chỉ vào khoảng 3 tiếng 29 phút, tính từ 100% đến 20%, như vậy có thể dự đoán vào khoảng hơn 4 tiếng một chút nếu xài cạn pin. Thành phần ăn pin nhiều nhất trên chiếc màn hình này không đâu khác là chiếc màn hình 4K cảm ứng.

Mức giá cao và nhiều thứ phải đánh đổi:

Yoga 920 đẹp, hoàn thiện cao cấp và so với thế hệ Yoga 910 thì nó có nhiều cải tiếng đáng khen cả về ngoại hình lẫn cấu hình. Trong phân khúc laptop 2 trong 1 giá trên trần này thì Yoga 920 hoàn toàn có thể cạnh tranh với những đối thủ như Dell XPS 13, HP Spectre x360 13t nhưng chiếc máy vẫn còn nhiều bất cập mà chúng ta cần phải cân nhắc. Mức giá của Lenovo Yoga 920 lên đến 45 triệu đồng - một mức giá rất cao và dưới đây là những thứ mình thích và chưa thích để anh em có thể tham khảo và chấp nhận đánh đổi nếu có ý định mua.

Ưu điểm:

Thiết kế đẹp, hoàn thiện tốt, bản lề chắc chắn và linh hoạt;
Cổng kết nối tốc độ cao Thunderbolt 3, kiêm cả sạc và trình xuất;
Màn hình đẹp;
Bàn phím gõ thích tay với tốc độ phản hồi cao, bàn rê xịn;
Có bảo mật vân tay của Synaptics với tốc độ nhận diện nhanh;
Cấu hình cao trong giới Ultrabook với CPU 4 nhân, ổ SSD tốc độ cao;
Thời lượng pin chấp nhận được với một chiếc máy màn hình 4K.

Nhược điểm: 

Tính năng nhận dạng lòng bàn tay khi dùng với bút cảm ứng chưa ngon;
Độ sáng màn hình thấp, phản chiếu mạnh khi sử dụng ngoài trời;
Loa chất lượng trung bình dù dùng công nghệ của JBL;
Vỏ máy nóng nhanh và có nhiều vùng trên ngưỡng chấp nhận được (33 độ C);
Giá cao.
 
Sản phẩm cùng loại
Tin tức mới nhất